CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN WEBSITE MINH CẢNH - MỸ CHÂU

WELCOME TO MINHCANH-MYCHAU.COM

CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA HAI TÀI DANH MCMC. NƠI ĐÂY CÁC BẠN SẼ TÌM TẤY NHỮNG BÀI VIẾT VỀ HAI DANH CA MCMC. CÁC BẠN CŨNG SẼ NGHE NHỮNG BÀI CA DO HƠI CA HUYỀN DIỆU MINH CẢNH VÀ TIẾNG HÁT LIÊU TRAI MỸ CHÂU TRÌNH BÀY!  WEBSITE NÀY CÓ HAI PHIÊN BẢN:TIẾNG VIỆT & ANH VỚI NỘI DUNG KHÁC...

du lich
https://www.atimulti.site
cailuongvietnam.com

Nguồn gốc cải lương và các bài bản

Thứ ba - 07/08/2018 15:49
Khi nói đến cải lương , đối với người miền Nam cũng như người miền Bắc đều nghĩ đến bài Vọng cổ trước tiên . Nhưng ít ai biết đến xuất xứ, hình thành, và diễn tiến của ngành nghệ thuật sân khấu đặc biệt của miền Nam nầy . Trong phạm vi bài này tôi sẽ lần lượt đề cập đến nguồn gốc của hai chữ « Cải Lương », quá trình, hình thành, và cấu trúc dàn nhạc và bộ môn bài bản .
ĐCTT
ĐCTT
Có nghĩa là đổi những gì cũ còn lại ra thành những gì mới và hay. Danh từ cải lương được xuất hiện đầu tiên trên bảng hiệu của gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông vào năm 1920. Sân khấu được trang hoàng đẹp đẽ, có màn nhung, có tranh cảnh, và hát bài La Madelon bằng tiếng Việt trước khi kéo màn .

Quá trình và hình thành

Miền Nam của xứ Việt Nam là nơi phát xuất ra Hát cải lương. Con người miền Nam có một đời sống nhàn hạ, sung túc. Ruộng cò bay thẳng cánh. Cá đầy sông , rạch. Không lo đói nhờ đất đai phì nhiêu, rau cải và lúa gạo đầy đồng . Người miền Nam mang dòng máu của những dân đến sinh sống trên đất Nam kỳ đầu tiên. Họ thuộc những người bị triều đình Huế đày vào trong Nam để khai khẩn đất hoang , hay bị bất mãn với sự phân tranh Trịnh Nguyễn. Thêm vào đó có nhiều người Tàu sang di trú vì không chịu thần phục nhà Thanh .
Dân ca miền Nam phối hợp những đặc trưng của dân ca miền Bắc, miền Trung, thêm vào đó những sắc thái cổ truyền của nhạc Cao Miên, Trung Hoa, Chàm. Do đó, dân ca rất phong phú về giai điệu cũng như tiết tấu qua những điệu lý, điệu hò, nói thơ.

Lúc khởi đầu vào cuối thế kỷ thứ 19, những cuộc hát cúng đình hay hát bội được tổ chức hàng năm vào kỳ lễ thần linh. Có những gánh được mời tới những gia đình khá giả vào dịp làm chay. Vì vậy có câu « trong chay ngoài bội ». Có những cuộc « hát chập » vào những dịp tiệc tùng giải trí với các ca sĩ nổi tiếng tới giúp vui.

Vào đầu thế kỷ 20, ngành ca hát được bành trướng hơn và trở thành một bộ môn giúp vui trong các dịp tiệc tùng , cưới hỏi. Điệu hát được ưa thích nhất thời đó là điệu Tứ đại oán với các bài Khóc chồng, « Bùi Kiệm thi rớt », « Bá Ngộ Mai ».

Trước thế chiến thứ nhất (1914-18), nhà cầm quyền Pháp khuyến khích người Việt dịch các vở tuồng của Molière hay của Victor Hugo ra tiếng Việt để diễn cho người mình xem.

Ở miền Nam vào thời đó, một số nhà yêu nhạc cổ như Trần Văn Thiệt (thân phụ của cố nhạc sĩ Duy Lân), Tống Hữu Định đã đưa một số bài nhạc cổ trong đàn tài tử lên sân khấu vừa hát vừa ra bộ diễn cảnh Bùi Kiệm thi rớt, hay Bùi Ông rầy Bùi Kiệm trích trong vở Lục Vân Tiên và bài ca Tứ đại oán được đem trình bày và rất được ưa thích .

Có một ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho do ông Nguyễn Tống Triều lập ra, với Nguyễn Tống Triều sử dụng đàn kìm, ông Bảy Vô kéo đàn cò, ông Chín Quán thủ cây đàn độc huyền, ông Mười Lý thổi ống tiêu, cô Hai Nhiễu đàn tranh và cô Ba Đắc hát . Mỗi tối thứ bảy ban nhạc này trình diễn tại Minh Tân khách sạn ở gần nhà ga xe lửa Mỹ Tho. Người đến nghe loại nhạc tài tử này càng ngày càng đông. Ông chủ rạp hát bóng Casino ở Mỹ Tho thấy khách sạn Minh Tân sao đông khách quá, mới nghĩ đến việc đem ban nhạc này trình diễn trước giờ chiếu phim. Bắt đầu từ đó mới có phụ diễn cổ nhạc trên sân khấu hát bóng. Ca nhạc cải lương bước lên sân khấu đầu tiên là sân khấu hát bóng .

Cô Ba Đắc là một nữ danh ca hát « sa-lông » nổi tiếng qua lối hát dậm thêm vài câu hài hước trong các bài « Đại lang dậm », « Bùi Kiệm dậm », Bùi Kiệm -Nguyệt Nga ». Lúc đầu chỉ ngồi trên bộ ván để hát. Về sau mới đứng dậy vừa hát vừa ra bộ. Từ đó mới sinh ra loại hát « Ca ra bộ ».

Từ loại hát Ca ra bộ rất đơn sơ tiến tới ca kịch, tức là vừa hát vừa diễn tả lời ca với những động tác . Bài bản được sáng tác thêm, hay dựa trên một số điệu sẵn có như Hành Vân, Bình Bán Vắn, Kim Tiền Huế, Ngũ Điểm, Bài Tạ, Ngâm Thơ,vv…

Sau đó, có những nhóm ca kịch đầu tiên của Hai Ngọc, Bộ Vang ở Mỹ Tho đi biểu diễn lưu động để giúp vui chứ chưa nghĩ đến việc kiếm tiền. Đây là giai đoạn tài tử chứ chưa phải chuyên nghiệp.

Đoàn hát chuyên nghiệp đầu tiên được Thầy André Thận ở tỉnh Sa Đéc thành lập vào năm 1918 lấy tên là gánh Thầy Thận. Có đủ đào kép, có cả người soạn tuồng và đặt lời ca. Lúc đầu chỉ hát ở các chợ nhỏ trong làng, rồi mới đi ra thành phố. Nhưng gánh này sống không lâu, phải rã gánh .

Đào kép gánh Thầy Thận mới nhập vô Gánh Thầy Năm Tú (tên thật là Châu văn Tú) ở Mỹ Tho. Đây là một gánh hát đại quy mô, có soạn giả Trương Duy Toản (tác giả vở Kim Vân Kiều), có họa sĩ Trần Ngọc Điều vẽ phong sơn thủy. Danh tiếng gánh hát vang tới Saigon. Đoàn hát len diễn tại rạp hát bóng Moderne ở vùng Tân Định. Hãng dĩa Pathé của Pháp đã sản xuất rất nhiều dĩa hát 78 vòng. Nhờ vậy tiếng tăm của gánh Thầy Năm Tú vang dội khắp ba miền Nam Trung Bắc.

Sự hình thành gánh Thầy Năm Tú đánh dấu sự chào đời sân khấu cải lương và có tầm vóc quốc giá hơn là địa phương .

Lần lượt các gánh khác được lập ra một cách mau chóng : Văn Hí Ban ở Chợ Lớn, Tập Ích Ban ở Thốt Nốt, Nghĩa Đồng Ban, Tân Thinh. Gánh Nam Đồng Ban với nữ nghệ sĩ Năm Phỉ nổi tiếng trong vở « Tham phú phụ bần ». Gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho với các nghệ sĩ nổi tiếng như Phùng Há, Năm Châu, Ba Du.

Các vở tuồng đầu tiên đều lấy từ truyện Tàu nhưng cách ăn mặc đi đứng, nói năng đều khác hẳn với hát bội. Các vở tuồng như « Phụng Nghi Đình », « Một Quế Anh », « Hạng Võ Biệt Ngu Cơ », « Trảm Trịnh Ân », «Hoa Mộc Lan tùng chinh », « Mổ Gan Tỉ Can », « Khương Hậu Thọ Oan », « Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Chu », vv.. rất được ưa chuộng .Dần dần, nhiều bài hát khác được đưa vào cải lương như « Xuân Phong », « Hành Vân », và sự xuất hiện của hai bài mới là « Xuân Nữ », và « Dạ Cổ Hoài Lang ».

Bài « Dạ Cổ Hoài Lang » còn gọi là « Hoài Lang ». Bài này do ông Cao Văn Lầu, biệt hiệu là Sáu Lầu, quê ở Tân An, đến định cư ở Bạc Liêu lúc còn nhỏ, sáng tác bài này vào khoảng năm 1918, chịu nhiều ảnh hưởng của bài Tứ Đại Oán và bài Hành Vân. Khởi đầu chỉ có hai nhịp cho mỗi câu (bài Dạ Cổ Hoài Lang gồm 20 câu 2 nhịp). Sau khi phát triển thành nhịp tư được hát đầu tiên trên sân khấu Tập Ích Ban năm 1921, và thành nhịp 8 trên sân khấu Tái Đồng Ban vào năm 1922. Cố nghệ sị Lư Hòa Nghĩa, tự Năm Nghĩa, cũng do âm cảm tiếng chuông chùa núi Sam (Châu Đốc) đã đưa bản này thành nhịp 16 với tên khác là Vọng cổ Bạc Liêu vào năm 1936. Khoảng đầu năm 1951, nghệ sĩ Nguyễn Thành Út, biệt hiệu Út Trà Ôn đã biến thành Vọng cổ nhịp 32 mà đa số nghệ sĩ cải lương hiện nay vẫn còn hát. Vọng cổ nhịp 64 bắt đầu phát triển. Có người còn hát thành nhịp 128 nhưng không mấy phổ biến . Các nghệ sĩ muốn được nổi tiếng và thành công thì phải hát thật mùi bài Vọng cổ. Nghệ sĩ Út Trà Ôn đã nhờ bài Vọng cổ mà được nổi tiếng trong giới cải lương .

Cải lương dần dần lan ra Trung và Bắc sau thế chiến thứ nhất (1914-18). Người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật cải lương trên sân khấu Hà nội là ông Nguyễn Văn Súng, tự Sáu Súng . Đúng ra, là một gánh xiệc có chen vào giữa chương trình một vài bài hát cổ nhạc, chưa có tuồng tích rõ ràng. Ít lâu sau mới có hai gánh Phước Hội và Tân Lập Ban từ Nha Trang ra Hà Nội trình diễn tại rạp Quảng Lạc .

Cho tới năm 1925, Hà Nội vẫn chưa có gánh hát cải lương chuyên nghiệp. Chỉ có một số người ưa thích cải lương hợp nhau lại đóng tuồng với danh nghĩa cứu trợ trong chiến dịch « Nam Kỳ tương tế ». Năm 1923, một nhóm sinh viên trường Luật diễn tuồng « Bội phụ quả báo » của Phạm Công Bình tại rạp Philharmonique.

Năm 1925, một nhóm sinh viên cao đẳng diễn tuồng « Châu Trần Tiết Nghĩa » của Nguyễn Văn Tệ.

Năm 1927 một nhóm phụ nữ ở Hà Nội diễn tuồng « Trang Tử Cổ Bồn » dựa vào tích xưa. Dư luận thời đó đã công kích ban « Nữ tài tử » với những lời chỉ trích các bà thích lên sân khấu làm trò .

Đến cuối năm 1925 và đầu năm 1926 mới có nhóm tài tử Đồn Ấu ở Sán Nhiên Đài và nhóm tài tử phố Hàng Giấy mướn rạp ông Ba Bỏ ở Ô Chợ Dừa.

Năm 1927, gánh Nghĩa Hiệp Ban ra Bắc với những tuồng Tàu như « Lã Bố Điêu Thuyền », « Tra Ấn Quách Hòe »,vv… Rạp Quảng Lạc, rồi rạp chèo Sán Nhiên Đài đều đổi thành rạp cải lương .

Đến giai đoạn 1928-37, các tuồng Tàu, tuồng Tây được đem đi diễn khắp nơi và nhiều điệu hát mới được sáng tác như bài « Tiếng Nhạn Trong Sương », « Hoài Tình » , « Chuồn Chuồn ». Những bài hát Tây được dịch ra lời Việt như « Pouët Pouët » trong vở tuồng Tiếng Nói Trái Tim, bản « Tango mystérieux » trong vở Đóa Hoa Rừng. Nhiều soạn giả phóng tác những tác phẩm văn học Pháp như « Giá Trị Danh Dự » (Le Cid của Corneille), « Túy Hoa Vương Nữ » (Marie Tudor của Victor Hugo), « Tơ Vương Đến Thác » (La Dame aux Camélias của Alexandre Dumas). Một số truyện của văn sĩ Việt cũng được đưa lên sân khấu như « Lan và Điệp » phỏng theo tiểu thuyết « Tắt Lửa Lòng » của Nguyễn Công Hoan, « Bùn Lầy Nước Đọng » phỏng theo tác phẩm « Tắt Đèn » của Ngô Tất Tố. Trong thời gian này, một đoàn cải lương thường có hai dàn nhạc : dàn nhạc cải lương thì ngồi ở cánh gà đàn ra, còn dàn nhạc Tây phương với dương cầm (piano), saxo, các loại kèn Tây, trống thì ngồi ở phía trước sân khấu để đàn lúc trước khi kéo màn khai diễn và những tuồng Tây. Sau đó mới tới giai đoạn tuồng Phật, tuồng Tiên với những màn đấu phép biến hóa song song với các vở tuồng kiếm hiệp La Mã. Nhạc sĩ Mộng Vân là người viết rất nhiều bài bản cho loại tuồng kiếm hiệp. Loại nhạc này còn được gọi là nhạc cà chía .

Từ năm 1935 tới năm 1941 nhiều gánh hát được thành lập ở miền Bắc như Nhật Tân Ban, Quốc Hoa, Tố Như, Ái Liên (nữ nghệ sĩ Ái Liên là mẹ của nữ ca sĩ Ái Vân, nữ ca sĩ Ái Xuân, từ trần năm 1992), Đức Huy, Nam Hồng, vv… Nhiều gánh còn vô trong Nam diễn được thành công . Một số gánh hát như An Lạc Ban, Phước Cương, Tân Hí Ban, Trần Đắt, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Thanh Tùng, Năm Châu, Kim Thoa ra Bắc được khán giả mến mộ.

Giai đoạn 1940-45, các loại tuồng vừa kể trên không còn ăn khách nữa . Cố nghệ sĩ Năm Châu mới viết một số tuồng xã hội như « Tìm Hạnh Phúc », « Khi Người Điên Biết Yêu » nói lên tâm trạng xã hội Việt Nam thời đó và rất được hoan nghinh. Tuồng dã sử rất được ăn khách trong thời này . Sau thế chiến thứ hai (1939-45), một số tuồng chiến tranh do cố nghệ sĩ Bảy Cao đề xướng và tạo một chỗ đứng đặc biệt trong làng cải lương .

Giai đoạn 1960-70, loại hồ quảng dù đã được phát hiện từ năm 1935 với nữ nghệ sĩ lão thành Phùng Há, bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Nữ nghệ sĩ Phượng Mai (hiện chuyển sang tân nhạc ở hải ngoại) đã được nổi tiếng trong lĩnh vực này trước 1975 cùng với nữ nghệ sĩ Bạch Lê (hiện sinh sống tại Pháp).

Ở miền Nam , ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc đã sáng lập ra giải Thanh Tâm hàng năm tặng cho một nghệ sĩ cải lương . Người đầu tiên nhận giải là cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Sau đó Ngọc Giàu, Bạch Tuyết , Lệ Thủy, Mộng Tuyền, Diệp Lang, vv… đã tiếp nối nhận giải cho tới năm 1975.

Sau bao biến chuyển trong cải lương với những đề tài khác nhau, bài vọng cổ càng ngày càng có một chỗ đứng quan trọng trong cải lương nói riêng, và trong cổ nhạc nói chung. Không một vở tuồng nào không được nghe ít nhất là năm hay sáu lần. Khán giả đi xem hát cải lương với mục đích là để nghe hát bài vọng cổ cho thật mùi .

Năm 1975, sau khi chấm dứt chiến tranh giữa miền Nam và miền Bắc, một số nghệ sĩ cải lương ra đi tỵ nạn. Việt Hùng phối hợp với một số nghệ sĩ như Vương Kiệt, Hùng Cường (sang Mỹ từ năm 1982 và từ trần năm 2002 ?), Kim Tuyến để lập thành đoàn hát cải lương nhưng rồi phải dẹp gánh. Bên Pháp, một số nghệ sĩ tài danh như Hữu Phước (từ trần năm …..), Chí Tâm (sang Mỹ định cư năm 1990), Hương Lan (rời bỏ cải lương sang hát tân nhạc và cũng định cư ở Mỹ từ 1987), Phương Thanh, Hà Mỹ Liên, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Minh Thanh, Kim Chi, Tài Lương , Minh Tâm, Ngọc Lưu với sự cộng tác của nữ nghệ sĩ lão thành Bích Thuận đã thành lập một đoàn hát Năm Châu Paris vào năm 1983 với hy vọng bảo tồn và duy trì nghệ thuật cải lương ở hải ngoại. Chỉ ít lâu sau rồi phải tự rã gánh . Sau đó , có hai đoàn cải lương được thành lập. Đoàn Nghệ sị tỵ nạn Paris với Hữu Phước, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Hà Mỹ Liên, và đoàn Hội Nghệ Sĩ Trẻ với Chí Tâm, Tài Lương , Minh Tâm. Hai đoàn này hoạt động mạnh trong năm 1987 rồi hai năm sau lại giải tán . Hai nghệ sĩ Thành Được và Phượng Mai tỵ nạn ở Đức có một thời gian đi lưu diễn Âu châu, Mỹ châu và Úc châu nhưng không lâu dài . Cả hai cũng sang định cư ở Mỹ . Thành Được giải nghệ nghề hát , mở nhà hàng ở San Jose, California, Mỹ . Sau này có một số nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Phượng Liên, Bích Sơn , rồi Ngọc Huyền, Tài Linh sang định cư ở Mỹ nhưng không thể gầy dựng một đoàn cải lương dù số nghệ sĩ danh tiếng có thừa , cũng như số nhạc sĩ cổ nhạc đủ sức lập thành dàn nhạc .

Tại Saigon, sau khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga từ trần trong một « tai nạn » mà tới nay vẫn chưa tìm được nguyên do vì sao, những nghệ sĩ kỳ cựu như Phùng Há, Bảy Nam (từ trần), Kim Cúc (từ trần), Kim Lan (từ trần), Út Trà Ôn (từ trần), hay các nghệ sĩ Văn Thái, Ánh Tuệ, Khánh Hợi của cải lương miền Bắc, những nghệ sĩ cải lương còn lại của chế độ cộng hòa miền Nam vẫn tiếp tục trình diễn và gặt hái nhiều thành công như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Kim Cương, Thanh Vi, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Minh Vương, Diệp Lang. Những tài năng trẻ tiếp nối cũng rất ăn khách như Vũ Linh, Vũ Luân, Thoại Mỹ, Thoại Miêu, Phượng Loan, Phượng Hằng, Trọng Phúc, Tài Linh (định cư ở Mỹ năm 2005), Ngọc Huyền (định cư ở Mỹ), Kim Tử Long, Tú Sương, Ánh Hoa. Các nghệ sĩ có nhiều triển vọng qua các giải Trần Hữu Trang cho thấy số lượng ngày càng đông, đặc biệt là trong năm 2007 những giọng ca có thể trở thành những nghệ sĩ tài danh trong tương lai như Hồ thị Ngọc Trinh, Phan Minh Đức, Oanh Kiều, Hoa Phượng, Thi Nhung, Diễm Kiều, Ngọc Tuyền, Trung Thảo, Trúc Ly, Hoàng Khanh, Mỹ Vân, Hải Yến, Hải Long , vv…Giờ đây diễn xuất giữ phần quan trọng hơn là có giọng ca mùi như xưa . Nghệ sĩ phải thuộc tuồng chứ không có người nhắc tuồng như trước.

Cấu trúc dàn nhạc

Ban nhạc tài tử lúc hòa tấu ở phòng khách (đàn hát sa-lông) thường gồm có : 1 đàn kìm, 1 đàn tranh, 1 đàn cò, 1 đàn độc huyền, 1 sáo hay tiêu. Khi có người hát thì thêm phách hay song lang .
Khi trở thành dàn nhạc cải lương thì số lượng nhạc cụ trở thành quan trọng hơn : 1 trống ban, 1 song lang, 1 cặp não bạt, 1 đồng la, 1 đàn cò, 1 đàn gáo, 1 đàn kìm, 1 đàn tam, 1 đàn đoản, 1 đàn tranh. Lại có thêm sáo, tiêu, kèn củn, kèn nàm. Sau này có thêm đàn độc huyền, đàn xến, ghi ta phím lõm (còn gọi là lục huyền cầm), tam thập lục, vi-ô-long, hạ uy cầm nhứt là ở miền Nam. Câu lục huyền cầm hay ghi-ta phím lõm có nhiều khả năng về cung bực, âm thanh trầm bỏng lại có thể luyến láy do phím móc sâu. Từ 40 năm nay, ghi-ta phím lõm giữ vai trò chánh trong dàn nhạc cải lương, và mấy lúc sau này đàn ghi ta phím lõm có gắn điện giống ghi-ta điện của nhạc trẻ kích động . Cố nhạc sĩ Văn Vĩ là người có ngón đờn ghi-ta phím lõm huyền diệu nhất. Ngoài dàn nhạc cổ, còn có thêm dàn nhạc Tây phương với piano, saxo, clarinette, trống , ghi-ta điện, và đàn synthé (hay organ).

Làn điệu hát trên sân khấu cải lương

Những bài bản được nghe trong tuồng cải lương đều phát xuất từ dân ca cổ nhạc miền Nam phần lớn, và những làn điệu trong nhạc đàn tài tử, một loại nhạc thính phòng miền Nam. Có thể phân loại một số bài bản thông dụng như sau :

1. Từ những điệu ca dân gian như những điệu Lý . Trong Nam có hàng chục bài Lý : Lý con sáo, Lý thập tình, Lý ngựa ô, Lý giao duyên, Lý vọng phu, Lý chiều chiều, Lý bình vôi, Lý chuồn chuồn, vv… Có Lý ngựa ô Bắc, lý ngựa ô Nam. Từ điệu Lý ngựa ô biến thành điệu cải lương Ô Mã 18 câu nhịp đôi. Mỗi một bài diễn tả một tâm trạng mà người viết tuồng phải nắm vững để tránh bị sai lầm. Khi vui tươi thì sử dụng điệu Lý ngựa ô. Khi bâng khuâng thì điệu Lý con sáo. Lúc kể lể thương đau thì hát Lý chuồn chuồn. Khi ru con thì hát Lý giao duyên, vv… Đến những điệu ngâm cũng phải biết lúc nào ngâm theo thể ngâm nào . Có nhiều loại ngâm như Ngâm Kiều (còn gọi là Lẫy Kiều), ngâm Sa Mạc, Bồng Mạc, ngâm Sổng, nói thơ Lục Vân Tiên, ngâm thơ Tao Đàn , hò .

2. Từ những bài nhạc lễ cung đình trong hát bội sau được cải biên dùng trong cải lương như Vũ Biền Xuất Đôi, Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Tiểu Khúc, vv…

3. Từ những sáng tác mới sau này khi có ca ra bộ, hát cải lương như Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Trường Tương Tư, Lưu Thủy Trường, Ái Tử Kê, Vọng Cổ, vv…

4. Từ những điệu hát lấy từ nhạc nước ngoài nhứt là từ Trung quốc, nhạc Quảng Đông xuyên qua các bài Xang Xừ Líu, Khốc Hoàng Thiên, Liễu Xuân Nương, Bản Tiều, Lạc Âm Thiều, vv…

Theo một vài giả thuyết cho rằng thầy ký Trần Quang Quờn, tự Thầy Ký Quờn, quê ở Vĩnh Long, đã sáng tác hai bài Tứ Đại Oán và Văn Thiên Tường cách đây hơn 80 năm. Đặc biệt là bài Tứ Đại Oán đã khơi nguồn cho hát ca ra bộ trước khi hát cải lương thành hình .

Một điệu hát quen thuộc khác đã được ông Sáu Lầu sáng tác là bài Dạ Cổ Hoài Lang , trở thành Vọng Cổ Hoài Lang (1936) và Vọng Cổ sau đó. Chính bài hát này đã dính liền với sân khấu cải lương . Nhạc sĩ và thầy tuồng Nguyễn Tri Khương (từ trần 1962) (cậu của GS Trần Văn Khê, và ông cậu của tôi) đã sáng tác một số bài bản mới như « Bắc Cung Ai », « Phong Xuy Trịch Liễu », « Yến Tước Tranh Ngôn » cho vở tuồng « Giọt lệ chung tình » vào năm 1927 cho gánh hát Đồng Nữ Ban do bà cô ba của tôi là Trần Ngọc Viện sáng lập. Nhưng cho tới ngày nay không thấy ai dùng các bài này trong cải lương. GS Trần Văn Khê có thu vào dĩa hát bên Pháp vào năm 1959.

Nhạc sĩ Tư Chơi đã sáng tác một số điệu hát vào năm 1937 như Trông Thấy Ai Xinh Thay ! và Xin Thề. Cố nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã sáng tác bài Hoài Tình .

Nhạc sĩ Mộng Vân trong những năm 1939-40 đã sáng tác nhiều bài ngắn như « Tấn Phong », « Túy Tửu », « Thu Phong Nguyệt », « Giang Tô », « Sương Chiều », « Tú Anh », « Tô Vũ », « Nặng Tình Xưa », vv…Nhạc của Mộng Vân có điệu gần gủi với phong cách cải lương, nhưng cũng có điệu lai căng, chịu nhiều ảnh hưởng Tây phương .

Ở hải ngoại, môi trường không có. Nghệ sĩ phải hành nghề phải hành nghề khác để mưu sinh cầu thực. Cho nên nghệ thuật cải lương ở hải ngoại bị dừng lại. Thế hệ trẻ của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài có lẽ sẽ không còn hiểu hay không biết gì về ngành cải lương trong tương lai.Trong nước có tờ tuần báo « Sân khấu thành phố » thông tin những sinh hoạt của các nghệ sĩ cải lương. Trang nhà http://cailuongvietnam.com đăng tải những tin tức nghệ sĩ , hình ảnh, những bài viết về cải lương nói chung và một số trang nhà cho nghe và xem những vở tuồng cải lương hiện tại giúp cho chúng ta có một cái nhìn trung thực về hiện trạng của nghệ thuật cải lương. Nghệ thuật cải lương ngày nay vẫn tiếp tục phát triển trong nước và hy vọng rằng được bành trướng rộng lớn trong tương lai .

(Trần Quang Hải)

Tác giả bài viết: keomienxa
Nguồn tin: tranquanghai.info

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chọn ngôn ngữ
Select language:

Link chuyển đến website....

mcanh phai
Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ đâu? Where are you coming from?

Thống kê
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay2,628
  • Tháng hiện tại40,884
  • Tổng lượt truy cập3,405,712
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây